BẢN TIN HANOI TOURISM
TOP
  /  Tin Tức Du lịch   /  Các thông tin cần biết về tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông (tuyến đường sắt 2A)

Các thông tin cần biết về tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông (tuyến đường sắt 2A)

Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông (tuyến đường sắt 2A) đã chính thức đi vào hoạt động. Nhiều người đã tranh thủ khoảng thời gian 15 ngày miễn phí đến đây để trải nghiệm chất lượng cũng như lưu lại những bức ảnh kỷ niệm, khiến ga đường sắt này “bỗng dưng” trở thành một trong những điểm check-in mới của giới trẻ Hà Thành.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người vì e ngại chốn đông người sẽ không an toàn, tâm lý chưa sẵn sàng cho việc “sống chung với COVID-19” nên chỉ ở nhà và theo dõi thông tin trên báo đài hay mạng internet.

Các điều cần biết về tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Để thuận tiện hơn cho người dân cũng như cung cấp các thông tin đến những người có nhu cầu, dưới đây sẽ là một số thông tin tổng hợp về tuyến đường sắt cao tốc đặc biệt này.

Thông tin cơ bản về đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông (tuyến số 2A: Cát Linh – Hà Đông, hay tên khác là tuyến Cát Linh) là một tuyến đường sắt đô thị thuộc hệ thống mạng lưới Đường sắt đô thị Hà Nội, có tổng chiều dài 13.05km và chính thức đi vào hoạt động lúc 07h00, ngày 07/06/2021.

  • Tuyến có tất cả 13 đoàn tàu công nghệ cao, mỗi đoàn gồm 4 toa chạy bằng điện với chiều dài mỗi toa là ~20, tổng chiều dài đoàn tàu là ~79m
  • Sức chứa tối đa 240 người/toa và ~ 1.000 người/đoàn
  • Vận tốc khai thác trung bình của tàu Cát Linh là 35km/h, tối đa là 80km/h
  • Thời gian chờ tàu trung bình là 6 phút/chuyến (giờ cao điểm), bình quân là 10 chuyến/giờ/hướng
  • Thời gian di chuyển trung bình từ ga đầu tới ga cuối là khoảng 24 phút
  • Thời gian dừng lại tại mỗi ga khoảng 25 – 35 giây/ga

Giá vé tàu Cát Linh – Hà Đông bao nhiêu?

Giá vé tàu Cát Linh được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, theo đối tượng hoặc tần suất di chuyển, cụ thể:

Theo quãng đường, vé ngày:

  • Tối đa 15.000 VNĐ/lượt – Nếu đi cả tuyến
  • Thấp nhất là 8.000 VNĐ/lượt – Đi 1 tuyến
  • 30.000 VNĐ/người/ngày (không giới hạn số lượt đi theo ngày)

Giá vé tháng:

  • MIỄN PHÍ: Đối với người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo
  • 100.000 VNĐ/người/tháng: Đối với cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp
  • 140.000 VNĐ/người/tháng: Đối với người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể
  • 200.000 VNĐ/người/tháng: Đối với hành khách phổ thông

Nhân viên hướng dẫn tại các máy bán vé tự động

Hàng khách có thể mua vé trực tiếp tại quầy bán vé hoặc sử dụng các máy bán vé tự động (hiện chỉ nhận tiền mặt, chưa thể sử dụng thẻ ATM) được thiết kế đặt sẵn tại các ga.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông có bao nhiêu ga?

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông có tất cả 12 ga trên cao, theo lộ trình di chuyển lần lượt bao gồm:

STT TÊN NHÀ GA ĐỊA BÀN PHƯỜNG QUẬN
1 Ga Cát Linh – Ga đầu Cát Linh Đống Đa
2 Ga La Thành Ô Chợ Dừa
3 Ga Thái Hà Trung Liệt
4 Ga Láng Thịnh Quang
5 Ga Thượng Đình Thượng Đình Thanh Xuân
6 Ga Vành đai 3 Thanh Xuân Trung
7 Ga Phùng Khoang Mộ Lao Hà Đông
8 Ga Văn Quán Văn Quán
9 Ga Hà Đông Quang Trung
10 Ga La Khê Phú La
11 Ga Văn Khê La Khê
12 Ga Yên Nghĩa – Ga cuối Yên Nghĩa

Các tuyến xe bus, bến xe gần các ga đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Dọc tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có tất cả 52 tuyến xe bus, cụ thể:

  • Ga Cát Linh: Tuyến metro số 3 (Nhổn – ga Hà Nội) và các tuyến số 18, 23, 50, 90, BRT01, 25, 99, 38
  • Ga La Thành: Các tuyến số 50, 99, 23, 30
  • Ga Thái Hà: Các tuyến số 26, 30, 50, 18, 35A, 84
  • Ga Láng:  Các tuyến số 09B, 16, 24, 27
  • Ga Thượng Đình: Các tuyến số 02, 19, 01, 27
  • Ga Vành đai 3: Các tuyến số 27, 29, 01, 02, 05, 19, 21B, 21A trên đường Nguyễn Trãi và tuyến số 22C, 29 tại hầm đường bộ Nguyễn Xiển
  • Ga Phùng Khoang: Các tuyến số 39, 27, 02, 19, 01
  • Ga Văn Quán: Gần bến xe Hà Đông cũ
  • Ga Hà Đông: Các tuyến số 89, 01, 02, 27, 33
  • Ga La Khê: Các tuyến số 01, 02, 21A, 27
  • Ga Văn Khê: Các tuyến số 91, 01, 02, 21A, 27
  • Ga Yên Nghĩa: Các tuyến buýt ra khu vực ngoại thành (Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Túc, Vân Đình, Thanh Oai, Xuân Mai, Quốc Oai, Hoài Đức, Thạch Thất…), các tuyến buýt kết nối với khu vực nội thành đi vào trung tâm thành phố và các chuyến xe khách liên tỉnh

Lịch trình di chuyển của đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có ga đầu tiên nằm tại nút giao cắt đường Cát Linh – Giảng Võ. Khi di chuyển sẽ đi theo hướng đường Hào Nam – Hoàng Cầu – Đường Láng – Sông Tô Lịch – Đường Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung – Bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông).

Ngoài ra, các nhà ga dọc tuyến Cát Linh đều nằm trong khu trung tâm và gần với các điểm mua sắm, giải trí, thuận tiện để người dân và khách du lịch có thể ghé thăm.

Viết bình luận

You don't have permission to register