BẢN TIN HANOI TOURISM
TOP
  /  Kinh nghiệm du lịch   /  Những điều có thể bạn chưa biết về người Dao ở Bình Liêu
Người Dao ở Bình Liêu

Những điều có thể bạn chưa biết về người Dao ở Bình Liêu

Du lịch Bình Liêu những năm gần đây đang phát triển khá mạnh và trở thành “điểm đến bốn mùa” với du khách miền Bắc trong những kỳ nghỉ ngắn ngày. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng chính những người dân nơi đây, với sự mộc mạc, chân thành và dễ mến lại là “chất keo” gắn kết và khiến du khách vương vấn. Cùng tìm hiểu về người Dao ở Bình Liêu qua bài viết này nhé!

Người Dao ở Bình Liêu

Các cô gái người Dao Thanh Phán ngồi trò chuyện dưới chân thác

Xem thêm: 

Người Dao ở Bình Liêu là ai?

Người Dao ở Bình Liêu chủ yếu thuộc dân tộc Dao Thanh Phán. Theo những nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Khắc Tụng, người Dao ở Việt Nam có 2 nhóm lớn được chia theo phương ngữ (tiếng nói có sự giống nhau), đó là nhóm Kiềm Miền (nhóm 1) và nhóm Kim Mun (nhóm 2). Chia nhỏ từng nhóm, chúng ta có:

Nhóm 1 bao gồm:

  • Dao Đỏ
  • Dao Tiền
  • Quần Chẹt
  • Dao Thanh Phán

Nhóm II gồm:

  • Quần Trắng
  • Thanh Y
  • Áo Dài

Người Dao ở Bình Liêu thuộc nhóm Dao Thanh Phán (nhóm 1) và tập trung đông nhất ở xã Đồng Văn của huyện, ngoài ra còn có người Dao Thanh Y (thuộc nhóm 2) ở huyện Hoành Bồ. Ngày nay, khi đi du lịch Bình Liêu chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những người dân tộc Dao này ở khắp mọi nơi.

Người Dao ở Bình Liêu

Có nhiều lý giải về nguồn gốc của người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu

Nguồn gốc của người Dao ở Bình Liêu

Có rất nhiều tài liệu cổ và nghiên cứu về nguồn gốc của người Dao ở Việt Nam nói chung cũng như người Dao ở Bình Liêu nói riêng. Tuy nhiên, một ý kiến được công nhận, đánh giá cao và mang tính thuyết phục cao nhất, đó là “Người Dao có tổ tiên là người Man, nơi sinh sống đầu tiên trước đây là ở Hồ Nam“.

Điều này cũng được chính những người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu khẳng định, khi họ tự nhận và cũng có truyền thuyết về tổ tiên của mình là Bàn Hồ – một nhân vật được lưu truyền trong văn hoá truyền thống của người Dao, xuất hiện trong các câu truyện dân gian và trong các bài cúng, lễ, trong nghi thức “lễ cấp sắc” vô cùng quan trọng của người Dao.

Vào khoảng thế kỷ 16 – 18, do triều đình phong kiến Trung Quốc đàn áp và do sự khô cằn, khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên mà những người Dao đầu tiên đã “di cư” sang Việt Nam và tạo nên tộc người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu như bây giờ.

Không rõ có từ khi nào, nhưng cho tới tận bây giờ, chúng ta vẫn được nghe tới cách gọi người Dao là người “Mán” (xuất phát từ âm Man trong Hán Việt). Vốn là cách gọi thời phong kiến Trung Quốc để ám chỉ các tộc người nhỏ lẻ, yếu đuối, “dễ bắt nạt”, có ý coi thường và thường là những tộc người sống ngoài đất của người Hán thời bấy giờ. Nên “Mán” là cách gọi có ý miệt thị, không tôn trọng người Dao. Khách du lịch Bình Liêu cần đặc biệt chú ý tới điều này.

Trang phục của người Dao ở Bình Liêu có gì đặc biệt?

Người Dao ở Bình Liêu

Trang phục truyền thống sặc sỡ của người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu

Khi du lịch Bình Liêu, có lẽ ấn tượng lớn nhất của du khách khi nhìn thấy người dân tộc Dao Thanh Phán và cũng là đặc điểm dễ nhận ra nhất của người Dao ở Bình Liêu chính là những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc đỏ cùng chiếc mũ “đặc biệt” trên đầu. Chiếc mũ này giống như chiếc hộp, bên ngoài được trùm một tấm vải đỏ với hoa văn sặc sỡ. Những chiếc mũ này cũng có thể dễ dàng tìm thấy ở các buổi chợ phiên Bình Liêu. Còn về màu sắc, họ tin rằng khi mặc trên mình những bộ trang phục sặc sỡ như vậy sẽ khiến thú dữ tránh xa và không làm hại mình.

Từ cung đường di chuyển, phóng tầm mắt ra phía các đồi, nương rẫy, thấp thoáng một vài chấm đỏ nhỏ, nhấp nhô, nổi bật giữa đồng lúa xanh đang thì. Phụ nữ người Dao Thanh Phán là các cô gái chăm chỉ, chịu khó và vô cùng đảm đang, khéo léo. Họ tự dệt vải, may và thêu thùa ra bộ trang phục của mình. Đặc biệt, họ không cần vẽ hay đánh dấu trước mà các hoạ tiết trên trang phục đều được may theo trí nhớ, theo những gì được truyền dạy và phối màu theo thẩm mỹ của mình.

Người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu

Người Dao Thanh Phán ngồi thêu thùa bất cứ khi nào rảnh rỗi

Màu đỏ thể hiện sự giao hoà với thiên nhiên, hoa văn dưới ống quần là đại diện cho tín ngưỡng thờ “Bàn Vương”, hoa văn là hoa cỏ, cây cối, chim muông… đại diện cho sự sinh sôi, nảy mầm. Một bộ trang phục hoàn thiện cần tới vài ba tháng, có khi tới nửa năm. Những người cầu kỳ còn kết hợp thêm trang sức bạc để tạo ra “tác phẩm nghệ thuật” thực sự và mặc trong những dịp lễ hội đặc biệt của dân tộc mình. Những bộ trang phục này giống như thứ “ma lực” hấp dẫn, khiến khách du lịch Bình Liêu mê lòng, đắm say, muốn ở mãi không về.

Văn hoá của người Dao ở Bình Liêu

Người Dao Thanh Phán là một trong những dân tộc còn lưu giữ được nhiều và nguyên vẹn nhất các nét văn hoá truyền thống từ xa xưa của dân tộc mình, bảo tồn, duy trì và truyền lại cho các thế hệ tiếp theo.

Người Dao ở Bình Liêu 1

Khách du lịch Bình Liêu và nhà trình tường của người Dao Thanh Phán 

Cách chọn nơi ở của người Dao ở Bình Liêu

Người Dao ở Bình Liêu có những cách rất riêng trong việc lựa chọn nơi ở, xây dựng nhà cửa. Họ thường chọn những mảnh đất cao ráo, khuất gió, gần nguồn nước và nương rẫy của mình để tiện cho việc sinh hoạt hàng ngày và lên nương rẫy làm việc.

Điều đầu tiên mà người Dao Thanh Phán sẽ làm, đó là mời “thầy Mo” tới xem xét và đánh giá khu đất này là đất “lành” hay đất “dữ”. Nếu là đất lành, chủ nhà sẽ tạo một ô đất nhỏ, bằng phẳng như nền nhà, xếp lên đó ba hàng gạo mới xát hay hạt ngô, sau đó lấy bát úp kín lại và để qua đêm. Nếu ngày hôm sau chỗ gạo hay ngô đó vẫn giữ nguyên vị trí, không bị kiến tha thì có thể yên tâm làm nhà.

Nhà của Người Dao ở Bình Liêu

Những ngôi nhà của người Dao Thanh Phán thường ở sát với nương rẫy

Chọn được đất, họ sẽ tiến hành chọn ngày đẹp là ngày hợp tuổi chủ nhà, không phải ngày xấu trong lịch người Dao cổ hay ngày xấu của dòng họ để tiến hành dựng nhà trọn vẹn. Nếu đi Hà Giang rồi, bạn sẽ thấy nét tương đồng giữa những ngôi nhà ở hai huyện vùng cao này. Bởi nhà của người Dao ở Bình Liêu cũng là nhà trình tường, vừa giúp người dân tránh được thời tiết khắc nghiệt, đông ấm hè mát, không bị thú dữ tấn công.

Tường nhà của người Dao Thanh Phán thường dày từ 50 – 70cm (nhiều tầng khuôn ván ép, đóng chặt vào nhau), bên trong là khung gỗ, cột gỗ phân chia phòng và lợp mái âm dương. Nhà dù to hay nhỏ cũng đều chung theo một mẫu và kiểu thiết kế về các gian (3 gian) cửa ra vào (1 chính, 1 phụ) và cửa sổ (3 cửa sổ). Gian bên trái là phòng của chủ nhà, gian giữa để thờ cúng, gian bên phải của con cái. Trong bếp luôn có gác bếp nhỏ chứa đồ lương thực dữ trữ.

Tuy nhiên, qua thời gian, những ngôi nhà truyền thống này cũng dần có những thay đổi nhất định để phù hợp nhu cầu chăn nuôi gia súc hay thậm chí là cho thuê (homestay) để phục vụ khách du lịch Bình Liêu.

Người Dao ở Bình Liêu 2

Nhiều ngôi nhà, công trình được cải tạo và trở thành những homestay phục vụ khách du lịch Bình Liêu

Nghề thủ công truyền thống của người Dao ở Bình Liêu

Trong văn hoá truyền thống của người Dao Thanh Phán, các nghề thủ công như đúc gang, chế tác đồ trang sức hay nấu rượu, thêu thùa… đặc biệt là đan lát là những nghề đã được lưu giữ, bảo tồn và truyền lại tới tận bây giờ.

Đan lát

Người Dao ở Bình Liêu đan lát

Đan lát là một trong những nghề truyền thống của người Dao Thanh Phán

Chính khu vực sinh sống của người Dao Thanh Phán là nguồn cung cấp lớn nhất cho nghề đan lát. Những cây vầu, tre, mây, trúc… được sử dụng để tạo nên các đồ dùng trong nhà, phục vụ cho sản xuất và chăn nuôi, trồng trọt của người dân, như gùi, sọt, lồng chim, bẫy thú, giỏ đi nương, nong, nia… Chúng ta có thể gặp những dụng cụ này tại các buổi chợ phiên Bình Liêu, thậm chí, nhiều khách du lịch Bình Liêu còn mua những dụng cụ này để làm quà kỷ niệm mang về.

Đúc gang

Là một nghề khá vất vả nhưng lại vô cùng quan trọng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nghề cần có sức khoẻ, sự dẻo dai cũng như kỹ thuật khéo léo để có thể tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh và tốt nhất. Tuy nhiên, thực tế thì nghề này giờ đã hầu như không còn ở Bình Liêu.

Nấu rượu

Rượu của Người Dao ở Bình Liêu

Rượu men lá được nấu từ 13 loại lá rừng – Đặc sản của người Dao ở Bình Liêu

Giống như việc thêu thùa, may vá, mỗi gia đình người Dao Thanh Phán đều biết kỹ thuật nấu rượu. Nguyên liệu chủ yếu mà họ sử dụng là ngô, dùng chõ gỗ (tốt nhất là của cây sa mộc) để chưng cất, vừa tạo được mùi thơm cho rượu, lại có thể lọc bớt được một số độc tố trong quá trình nấu, giúp rượu ngon hơn, an toàn hơn và uống không bị nhức đầu, chóng mặt.

Một khách du lịch Bình Liêu thích rượu bất kỳ, khi tới đây bạn có thể dễ dàng tìm được “bạn nhậu”. Người dân nơi đây không chỉ mộc mạc, thật thà mà còn rất gần gũi, họ sẵn lòng mời bạn một ly, một cái “cạnh” nhẹ cùng những người dân tộc anh em và chúc nhau sức khoẻ.

Lá thuốc

Người Dao ở Bình Liêu

Những bài thuốc lá của người Dao vô cùng công hiệu

Nói tới người Dao (đặc biệt là người Dao đỏ) là nói tới những bài thuốc lá tuyệt vời và công hiệu phải nói là “không thể chê”. Chính cuộc sống gần với thiên nhiên, tự cung tự cấp đã cho đồng bào người Dao ở Bình Liêu những kinh nghiệm và bài thuốc đặc trị vô cùng hiệu quả. Những bài thuốc này được truyền qua nhiều đời và trở thành “thương hiệu” của người Dao.

Một số bài thuốc người Dao Thanh Phán nổi tiếng mà khách du lịch Bình Liêu thường hay tìm mua về như bài thuốc tắm cho sản phụ sau sinh, thuốc chữa bệnh dạ dày, sỏi thận, ho, chữa rắn cắn, mụn nhọt… Có loại dùng tắm, xông hơi, loại để xoa bóp hoặc uống…

Phong tục cạo đầu, cạo lông mày

Nếu đến du lịch Bình Liêu và để ý kỹ, bạn sẽ thấy một số người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu thường không có tóc và lông mày, nhưng số khác lại có. Đây là phong tục truyền thống của những cô gái người Dao ở Bình Liêu. Khi tới tuổi trưởng thành, họ sẽ quấn một chiếc khăn đỏ in hoạ tiết trên đầu, buộc dây ở cằm để thể hiện tính nết na, dịu dàng của mình. Còn khi có gia đình, họ sẽ phải cạo đầu, đội khăn trắng ở trên rồi đặt một chiếc mũ hình hộp, cao khoảng 40cm bên trên, phủ bên ngoài là một chiếc khăn màu đỏ khác với hoạ tiết sặc sỡ.

Người Dao ở Bình Liêu

Những người phụ nữ Dao Thanh Phán sẽ cạo đầu và lông mày khi đã lập gia đình

Gắn liền với phong tục này là một câu chuyện cảm động, rằng từ xa xưa, có một già làng người Dao Thanh Phán, đang ngồi gội đầu bên suối, người con trai bà rất yêu thương mang cơm ra ăn gần đó, không may những sợi tóc dài rụng ra và bay vào bát cơm. Người con không nhìn thấy nên đã ăn vào, bị mắc trong họng và qua đời.

Già làng kia rất hối hận nên đã tự cạo trọc đầu, xếp khăn trắng để tang trên đầu và đặt bên trên là tấm khăn đỏ truyền thống. Từ đó về sau, tất cả những người phụ nữ người Dao Thanh Phán đều làm theo điều này và trở thành phong tục và hình ảnh của những cô gái người Dao Thanh Phán mà khách du lịch Bình Liêu đang thấy ngày nay.

Bọc răng vàng

Quan niệm của người Dao ở Bình Liêu cho rằng, khi bọc răng vàng, nụ cười của họ sẽ đẹp và duyên dáng hơn. Dù đây là điều mà chỉ những gia đình khá giả, có điều kiện mới làm, nhưng khi bọc răng vàng, nụ cười của phụ nữ người Dao Thanh Phán sẽ đẹp hơn.

Người Dao ở Bình Liêu

Người Dao Thanh Phán tin rằng bọc răng vàng sẽ khiến họ duyên dáng hơn

Ngày hội kiêng gió (Chợ tình Đồng Văn ở Bình Liêu)

Ngày hội kiêng gió là một ngày đặc biệt với các đồng bào dân tộc người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu. Vào ngày này, tất cả trai gái sẽ không làm việc mà tụ tập tại một khu vực nhất định, giao lưu, tìm hiểu nhau, tâm sự và cùng nhau uống rượu, hát hò. Vào ngày này, dù có gia đình hay chưa, các đôi nam nữ đều có quyền tâm sự với người bạn khác giới, được uống say mà không sợ ai ghen tuông hay trách mắng.

Chính vì thế mà ngày hội kiêng gió còn được gọi là ngày hội chợ tình Đồng Văn. Cùng với hội đình Lục Nà, chợ tình này cũng là thời điểm mà khách du lịch tới Bình Liêu khá đông.

Người Dao ở Bình Liêu

Các cô gái người Dao Thanh Phán thi thêu thùa tại phiên chợ tình hàng năm

Ngày hội “mì seèng phẩy hêy dảo” (ngày hội kiêng gió) ngày nay còn được tổ chức quy mô hơn với các lễ hội, trò chơi, hội thi và thậm chí là cả lễ cấp sắc linh thiêng của người Dao và thu hút nhiều hơn khách du lịch Bình Liêu mỗi khi đến dịp.

Tục đưa dâu của người Dao ở Bình Liêu

Cũng như bất cứ dân tộc nào, ngày cưới đối với dân tộc Dao đặc biệt là những người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu. Trong ngày này, hầu như mọi người bên nhà gái đều được mời sang nhà trai, thầy cúng sẽ xem tuổi và chọn giờ, việc duy nhất của cô dâu chỉ là chuẩn bị tâm lý. Tuy nhiên, điều này đôi khi cũng gây ra những tình huống hy hữu như có những cô dâu phải rời nhà mình ngay cả khi trời còn đang đêm hoặc mới chỉ tờ mờ sáng.

Người Dao ở Bình Liêu 4

Trang phục cô dâu, chú rể người Dao Thanh Phán

Một điều khá lạ lùng là nhà trai và chú rể sẽ không đi đón cô dâu, “đội hình” đưa cô dâu đi gồm 3 người là thầy Mo, một người nam và nữ trong họ. Nhưng phải là người tốt, hạnh phúc, có đủ con trai, con gái, khéo léo, giỏi giao tiếp và hiểu về các tục lệ. Cô dâu trước khi ra khỏi nhà sẽ ăn một chút cơm (ngụ ý “no đủ”) mà mặc trên mình từ 6 – 8 bộ quần áo (cái ngoài ngắn hơn cái trong), thành từng lớp.

Có thể nói, lễ đưa dâu của người Dao ở Bình Liêu không kèn trống, không người đưa rước tưng bừng mà lại khá kín đáo, lặng lẽ, hành trang duy nhất chỉ là vốn sống ít ỏi cùng lời dặn dò của mẹ cha, lòng tin vào người đàn ông đã chọn và hy vọng về một tương lai, một gia đình hạnh phúc.

Tất cả những thông tin trên có thể chưa phải là tất cả, nhưng cũng đủ để chúng ta hiểu hơn phần nào về những người dân tộc anh em, những người Dao Thanh Phán.

Một số hình ảnh đẹp về người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu:

Cô gái người Dao Thanh Phán xinh đẹp

Người Dao ở Bình Liêu 6

Bé gái người Dao Thanh Phán xúng xính trong bộ trang phục truyền thống

Bé gái người Dao Thanh Phán

Nét ngây thơ của các em bé

Người Dao ở Bình Liêu 7

Những chiếc mũ đội đầu cầu kỳ nhưng cũng rất đặc biệt

Mũ đội đầu của Người Dao ở Bình Liêu

 

Viết bình luận

You don't have permission to register