BẢN TIN HANOI TOURISM
TOP
  /  Kinh nghiệm du lịch   /  2/9 này du lịch Tây Bắc và cùng ăn Tết độc lập của người Mông

2/9 này du lịch Tây Bắc và cùng ăn Tết độc lập của người Mông

Nghỉ lễ 2/9 năm nay bạn đã có kế hoạch gì chưa? Nếu chưa có, hãy cùng Hanoi Tourism đi du lịch Tây Bắc và cùng ăn “Tết độc lập của người Mông” để cùng tìm hiểu về ngày về ngày lễ, tết lớn nhất của đồng bảo dân tộc miền núi phía Bắc này.

Mông là một trong những dân tộc thiểu số có dân số đông nhất Việt Nam. Họ sinh sống chủ yếu trên những vùng núi có độ cao từ 1.000m trở lên và tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh Tây Nguyên. Khi những đám mây trắng lững lờ, vướng vào từng ngọn cây cao, khi mùa hoa tam giác mạch nở rộ thì cũng là lúc bắt đầu ngày Tết độc lập của người Mông bắt đầu.

Du lịch Tây Bắc và ăn Tết độc lập cùng người Mông

Tìm hiểu về ngày Tết độc lập của người Mông

Xem thêm: 

Tết độc lập là gì? Tết độc lập của dân tộc nào?

Tết Độc lập là tên gọi của một hoạt động lễ hội của đồng bào Mông, nhằm mục đích tỏ lòng biết ơn Đảng, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại độc lập, tự do cho đồng bào cả nước cũng như những người dân tộc Mông đang sinh sống trên đất nước Việt Nam.

Tết độc lập được tổ chức lúc nào?

Ngày Tết độc lập được tổ chức từ ngày 29 hoặc 31/8 đến hết 2/9 hàng năm, nhưng vui và to nhất là ngày 1/9. Vào khoảng thời gian này, bà con dân tộc Mông tại khắp nơi cả nước đều treo cờ đỏ sao vàng chào mừng ngày quốc khánh. Một số huyện, bản trung tâm như Mộc Châu, Sơn La thường là điểm tập trung đông và tổ chức với quy mô lớn nên rất nhiều thanh niên, trai gái từ khắp nơi đổ về để tham gia các trò chơi, giao lưu, kết bạn, hẹn hò nhau. Chính vì thế mà ngày tết độc lập còn được gọi với tên khác là “Tết cờ đỏ sao vàng“.

Tết độc lập có từ khi nào?

Cụm từ “Tết Độc lập” được dành riêng cho Tết Bính Tuất 1946, bởi đây là cái Tết Nguyên đán cổ truyền đầu tiên sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Cũng từ đây, tên gọi này được sử dụng để tôn vinh dịp Quốc khánh 2/9 hàng năm.

Những cuộc thi dân gian được tổ chức ở Tết độc lập

Với người dân đồng bào dân tộc Mông, tết độc lập có từ khoảng cuối năm 1950, để tỏ lòng biết ơn Đảng và Bác Hồ. Tiêu biểu nhất là đồng bào dân tộc Mông ở Mộc Châu, Sơn La. Nơi đây được cho là trung tâm của người Mông tại miền núi phía Bắc với mỗi dịp lễ hội đều được tổ chức hoành tráng, với quy mô lớn và sự góp mặt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như các dân tộc anh em xung quanh.

Tết độc lập có gì hấp dẫn?

Bà con dân tộc Mông coi Tết độc lập là một ngày lễ lớn, nên ở quy mô gia đình, đồng bào người Mông thường mổ trâu, lợn, gà… dâng lên ban thờ tổ tiên. Một số bản còn cùng nhau góp những đồ ăn này để cùng nhau mở hội, uống rượu và ăn mừng suốt ngày đêm.

“Tục cướp vợ” giờ đây cũng trở thành một hình thức biểu diễn

Trong suốt thời gian diễn ra thì ngày 1/9 là vui và nhộn nhịp nhất, nếu ban ngày đông vui và rộn ràng với những trò chơi dân gian, những gian hàng và tiếng người cười nói thì ban đêm lại là khoảnh khắc lãng mạn dành cho đôi lứa, các bạn trẻ làm quen và tìm hiểu nhau.

Ngày Tết độc lập này, cũng là dịp để con trẻ, các chàng trai, cô gái lựa chọn cho mình những bộ quần áo mới, đẹp nhất, đeo lên mình những thứ trang sức họ cho là quý nhất, “trai vác khèn, gái kèn (đàn) môi“, xúng xính tụ tập tại các trung tâm, gặp nhau vui chơi và giao lưu trò chuyện. Từng nhóm nhỏ các chàng trai và cô gái từ lạ lẫm, ngượng ngùng nhìn trộm nhau, dần làm quen, nói chuyện và tìm hiểu, có không ít đôi đã nên duyên từ những “chợ tình” lãng mạn này.

Có nhiều trò chơi truyền thống và cuộc thi dân gian được tổ chức ngay tại thị trấn với sự tham gia của đông đảo đồng bào các dân tộc anh em khác như:

  • Thi giã bánh dày
  • Thi nấu cơm
  • Thi thổi khèn
  • Ném còn
  • Bắn nỏ
  • Đẩy gậy
  • Đánh tu lu
  • Xem “cướp vợ”

Bên cạnh đó, còn có các gian hàng trưng bày đồ thủ công, thổ cẩm, ẩm thực, các công cụ lao động sản xuất của người Mông rất đa dạng. Và mặc dù cùng là dân tộc Mông, nhưng ngày tết này ở mỗi nơi sẽ có quy mô và những điểm riêng biệt khác nhau ít nhiều. Đặc trưng về trang phục của từng tộc người Mông (Mông Đơ – trắng, Mông Đu – đen, Mông Si – đỏ, Mông Lềnh – hoa, Mông Súa – Mông Mán… cũng là điểm khiến cho dịp lễ hội này tràn ngập màu sắc như một rừng hoa muôn màu.

Tiếng khèn, tiếng nhạc, tiếng người cười nói, tiếng bát rượu men lá va vào nhau liên tục… tất cả những thứ mộc mạc, thân thiết nhất ấy hoà quyện vào nhau giữa đại ngàn bao la và tạo nên một bức tranh ngày hội vùng cao rực rỡ xen lẫn với niềm tự hào dân tộc.

Viết bình luận

You don't have permission to register